Các bạn có thể áp dụng phương pháp này cho hầu hết các loại cá thuỷ sinh khác có bán trên thị trường để có một đàn cá đẹp và khoẻ mạnh.
Cá thuỷ sinh thường là những dòng cá nhỏ, với tập tính hiền lành và bơi theo đàn nên được khách hàng yêu thích và lựa chọn trong bể thuỷ sinh của mình. Với điều kiện miền Bắc chúng ta nên dùng sưởi vào các thời điểm giao mùa và mùa đông để tránh cá bị nấm do thời tiết lúc này có thể làm cá bị nhiễm bệnh nhất là các loại bệnh nấm cá.
Chúng ta cần biết cách chọn mua và thả cá mới sau khi mua từ cửa hàng về để đảm bảo cá có tỷ lệ sống cao nhất. Dưới đây là bài viết hướng dẫn để anh em có thể có những đàn cá thuỷ sinh khoẻ, đẹp trong bể thuỷ sinh của mình.
1. Chuẩn bị bể cá trước khi thả:
- Nên thả cá thuỷ sinh mới mua về trong những bể cá, bể thủy sinh đã có hệ vi sinh ổn định, hệ thống lọc và vật liệu lọc tốt, những bể cá mới làm nên chạy hệ thống ổn định từ 1-2 tuần mới nên thả cá. Khi nào nước trong bể mới chuyển từ nhờ nhờ nước gạo sang trong vắt là các bạn có thể thả được cá mới an toàn.
- Cá thuỷ sinh sẽ dễ thích nghi hơn với những bể cá có nhiều cây thủy sinh, lũa đá hơn
- Không nên thả những loại cá thuỷ sinh nhỏ như cá trâm, neon… với các loài cá to và hung dữ khác như cá thần tiên, cá đĩa, cá ali… vì dễ bị chúng tấn công
2. Chọn nơi bán cá khoẻ và vận chuyển cá:
- Nên mua cá tại các cửa hàng có uy tín để đảm bảo nguồn gốc của cá cũng như cá đã được dưỡng cẩn thận sau khi nhập về.
- Chọn mua cá trong những bể dưỡng bơi khỏe, không thấy có cá bị nấm, không có cá chết trong những bể dưỡng ấy.
- Không nên chọn cá mà các cửa hàng mới nhập về. Cá chưa được dưỡng khoẻ
- Cá mang về phải được chứa trong những túi ni lông đã được bơm đầy khí oxi. Nên dùng thêm một bao ni lông màu đen bọc bên ngoài để giảm độ căng thẳng cho cá.
- Vận chuyển cá đi xa lên cho vào thùng xốp để tránh việc tăng giảm nhiệt đột ngoài môi trường quá cao.
3. Cách thả cá thuỷ sinh sau khi mua từ cửa hàng về
- Nên rút ngắn thời gian từ khi mua đến khi thả cá vì việc này sẽ làm cá bị căng thẳng và dễ thích nghi hơn với môi trường nước mới
- Nên giảm ánh sáng hoặc tắt đèn trước khi thả cá vào bể vì đèn sáng sẽ gây ra stress với cá mới.
- Giảm Shock nhiệt cho cá bằng cách ngâm túi ni lông chứa cá vào bể trong vòng 15-20 phút để cân bằng nhiệt độ giữa nước bể cá và nước trong túi (chưa thả cá).
- Mở túi cá và cân bằng PH trong nước ở túi ni lông với bể thả cá bằng cách lấy nước cũ trong bể cho vào túi đựng cá . Nên thực hiện vài lần, mỗi lần ⅓-¼ lượng nước so với túi chứa cá sẽ giúp trung hòa cả nhiệt độ và PH ổn định.
- Sau 15-20 phút thì có thể thả cá vào bể, mở rộng túi ni lông để cho cá bơi từ từ ra khỏi túi
4. Các bệnh về cá thuỷ sinh nói chung và cách chữa:
- Bệnh thường gặp nhất ở cá neon là do một loại vi bào tử ( vi nấm) có tên Pleistophora hyphessobryconis
- Nguyên nhân: do cá ăn phải thức ăn gây bệnh hoặc ăn xác những con đã chết. Biểu hiện rõ ràng nhất là màu sắc cá sẽ bị bạc dần, nhợt nhạt, khó khăn khi bơi hoặc nghiêm trọng hơn xương sống của cá có thể bị bẻ cong, thậm chí còn thối vây hoặc phù nề.
- Biện pháp phòng ngừa: cách chính thức vẫn là cách ly hoặc loại bỏ những con bị bệnh vì hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay phương pháp kiểm soát. Để ngăn chặn bệnh phát sinh thì chúng ta cần phải kỹ càng trong việc lựa chọn cá và phải thường xuyên vệ sinh bể cá để tạo môi trường tốt nhất cho cá sinh sống.
- Bệnh nấm đốm trắng ở cá neon do nhiệt độ thay đổi đột ngột:
- Nguyên nhân: Nhiệt độ bể thay đổi trong ngày lớn do thời tiết, chất lượng nước chưa ổn định, cá mới thả vào bể stress, đề kháng thấp.
- Biện pháp phòng ngừa: Dùng sưởi để duy trì nhiệt độ từ 29-32 độ để kìm hãm sự phát triển của các tổ ký sinh nấm trên thân cá, có thể dùng Bio Knock 2 hoặc Tetra Nhật để giúp cá chữa bệnh với liều lượng vừa phải. Hệ vi sinh ổn định có thể giúp cá neon sống trong bể rất khỏe mạnh.
Lưu ý:
- Màu sắc của cá thuỷ sinh thường sẽ bị nhạt đi khi thả cá sang bể mới, môi trường mới, tuy nhiên bạn không cần lo lắng vì cá sẽ lên lại màu cũ khi thích nghi với môi trường và được cho ăn đầy đủ chất.
- Nên thả cá theo đàn từ 6 con trở lên sẽ tăng cường tỷ lệ sống và thời gian thích nghi của cá.
- Cá có thể bị thiếu oxy do quá trình vận chuyển, nếu thấy cá có biểu hiện nằm bẹp dưới đáy hoặc ngoi ngớp trên mặt nước thì cần phải bỏ sủi vào để nhanh chóng tăng lượng oxy lên.
- Nếu cá bị Shock nhiệt cá sẽ dễ nhiễm nấm ngoài da và các bệnh về đường ruột.
- Có thể thả cá mới mua vào một lồng dưỡng để theo dõi cá trong những ngày đầu thả, nếu có dấu hiệu cá mắc bệnh thì có thể xử lý kịp thời và tránh lây nhiễm đến đàn cá có sẵn.
- Nên cho cá ăn sau một ngày thả cá để cá có thời gian làm quen và ổn định hệ tiêu hóa với môi trường mới.